Vì sao người đồng tính không thích hợp cho sinh sản, nhưng vẫn luôn xuất hiện trong lịch sử loài người?

Vì sao người đồng tính vẫn tồn tại?
Câu trả lời đã được tiết lộ một phần: vì đồng tính không di truyền theo kiểu bố da trắng tóc vàng và mẹ da trắng tóc vàng (cả hai đều thuần chủng) đẻ ra con da trắng tóc vàng. Người đồng tính cứ thế xuất hiện vì tác động của một (hoặc một vài) tác nhân nào đó trong hàng loạt tác nhân. Dữ liệu cho thấy tại các xã hội phương Tây điển hình, có đến 50% biến dị trong xu hướng tính dục có nguồn gốc từ di truyền (tức là có 50% do môi trường, và 50% do di truyền; trong phần về di truyền, cũng không biết rõ chính xác là phần nào cụ thể của di truyền).
Nhưng có một số giả thuyết đáng chú ý như sau:
(1) Giả thuyết “không phải bố, hãy chú ý đến mẹ và những người anh”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của một người nam đồng tính sẽ làm tăng khả năng xuất hiện một người nam đồng tính khác trong gia đình, có liên quan trực tiếp đến di truyền. Ví dụ, có 20-25% khả năng các anh em trai của một người nam đồng tính cũng đồng tính, điều tương tự cũng xảy ra với đồng tính nữ. Biết rằng tỷ lệ cho một người bình thường là đồng tính chỉ rơi vào khoảng 4-6%.
Xu hướng tính dục ở các cặp song sinh cùng trứng nam (giống hệt nhau về mặt di truyền) có sự tương đồng lên tới 50-65% (nghĩa là hơn 50% khả năng anh thích gì em thích đấy). Con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ chỉ 15% của các cặp sinh đôi khác trứng.
Cũng dựa trên mặt số liệu thống kê, một người đàn ông có càng nhiều anh trai thì càng có khả năng cao là đồng tính. Đây được gọi là “hiệu ứng anh trai” (fraternal birth order effect), với giải thuyết được đưa ra là do phản ứng miễn dịch của người mẹ. Khi mang thai con trai, người mẹ sẽ sản sinh một một loại kháng nguyên ảnh hưởng đến sự hình thành xu hướng tính dục, và có tác động tăng dần sau mỗi lần mang thai con trai. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu về hiệu ứng này cho rằng nguyên nhân lại là do việc nuôi dạy chung hoặc do các yếu tố quan hệ gia đình khác [7].
Ngoài ra, dựa trên quan sát hiện tượng đồng tính nam có khuynh hướng di truyền từ phía dòng họ mẹ, đã dẫn tới việc phát hiện một phân đoạn DNA chứa dấu hiệu di truyền có liên quan đến xu hướng đồng tính nam được gọi là Xq28 nằm trên NST X, khiến nó từng được gọi là “gay gene”. Nghĩa là trước nay chúng ta luôn nghĩ rằng một người cha gay không thể đẻ con gay, nhưng nếu con gay do mẹ mang gene gay thì sao? Và vì gene này nằm trên nữ giới, nên không hề bộc phát tính trạng “thích nam giới” khác thường như khi ở trên nam giới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã khẳng định rằng đồng tính có liên quan đến yếu tố di truyền (với mức độ từ 8-25%); nhưng nó không được gây ra bởi một “gay gene” đơn lẻ, mà là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa rất nhiều gene [8]. Ví dụ, quan sát bộ gene của người đồng tính có điểm chung nằm ở 5 gene đơn lẻ ngẫu nhiên, nhưng mỗi trong số chúng có tác động không đến 1% lên xu hướng tính dục đồng giới.
(2) Giả thuyết “không cha thì chú”.
(Giả thuyết số 1 lý giải việc vì sao bố gay không đẻ con, mẹ lesbian không sinh con, nhưng vẫn luôn có thế hệ đồng tính sau… cho thấy đồng tính tồn tại ở mức độ gene. Nhưng vì sao những gene ấy có thể tồn tại, mà không bị loại bỏ bởi tiến hóa, giả thuyết số 2 sẽ lý giải bổ sung cho giả thuyết số 1).
Một trong những cách giải thích cho nghịch lý này được gọi là thuyết chọn lọc huyết thống (kin selection theory), được phát triển dựa trên việc quan sát những người đồng tính nam được chấp nhận trong cộng đồng người Samoa được gọi là fa’afafine [9].
Nghiên cứu cho thấy những fa’afafine này có khuynh hướng dành sự quan tâm chăm sóc đến các cháu trai và cháu gái nhiều hơn so với những người nam và nữ dị tính khác. Họ sẵn lòng săn sóc và dạy dỗ những đứa trẻ cùng huyết thống, thậm chí hỗ trợ về mặt tài chính; như chi trả các chi phí giáo dục hoặc chăm sóc y tế.
Nghĩa là, để bù đắp cho khả năng sinh sản của bản thân, các fa’afafine trở thành người giúp sức (helper in the nest), hỗ trợ cho sự tồn tại của những đứa trẻ cùng huyết thống khác, và từ đó vẫn góp phần duy trì nguồn gene di truyền của gia đình.
Giả thuyết này không chỉ đúng với nền văn hóa của người Samoa, nơi chấp nhận sự tồn tại của những người mang xu hướng tính dục dị biệt. Dân bản địa Châu Mỹ có những người mang “hai linh hồn” (Two-Spirit), người Thái Lan có các khatoey (nữ chuyển giới – ladyboys), hay ở Ấn Độ, từng có một Hijas (từ chỉ chung người hoạn, liên giới hoặc chuyển giới) được bầu làm thị trưởng thành phố Gorakhpur [10].
Do vậy, sự tồn tại của gene gay thực chất có ích cho sinh sản (dù không phải cho họ), nên vẫn được giữ lại qua các thế hệ.
Tuy nhiên, lối sống ở các cộng đồng đặc thù lại không đúng với bối cảnh xã hội phương Tây, nơi đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn là lối sống gắn kết trong gia đình nhiều thế hệ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không biết chính xác xã hội trong quá khứ có giống với những bộ lạc hiện đại hay không.
(3) Giả thuyết “Tiến hóa vì tính thẩm mỹ (Aesthetic Evolution)”:
Đây là giả thuyết được đưa ra bởi nhà điểu học Richard O. Prum. Ông cho rằng, tuy không có khả năng sinh sản, nhưng xu hướng tính dục đồng giới lại giúp ích cho việc sinh sản một cách gián tiếp [11].
Khi nhìn bộ lông đuôi rực rỡ đẹp mắt của con công đực, không thể nhận thấy bất kỳ một giá trị nào khác đóng góp cho sự sinh tồn, ngoài chuyện hấp dẫn công cái. Nó không có tác dụng, thậm chí còn cản trở việc bay lượn hoặc chiến đấu với những con đực khác, không những không giúp ích gì cho việc kiếm ăn, còn khiến chúng trở nên dễ bị phát hiện hơn bởi kẻ thù. Cái đuôi ấy chỉ giúp công đực duy nhất một việc: khả năng tìm kiếm bạn tình cao hơn.
Hoặc nói đúng hơn, chính những con công cái, với “gu thẩm mỹ” độc đoán, đã khiến những con công đực tiến hóa để có bộ lông đuôi mỹ miều như thế [12]. Và con đực không chỉ phải chạy theo nhu cầu vẻ đẹp hình thể, còn có thể thay đổi cả những đặc tính trong mối quan hệ xã hội với những con đực khác để chiều lòng con cái.
Vô tình, sự thay đổi này có thể dẫn đến phát triển xu hướng tình dục đồng giới ở con đực. Khi đó, việc giao phối đồng giới giúp công đực giải tỏa được 2 áp lực: đối tượng giao phối được mở rộng và giảm bớt mức độ khốc liệt cũng như những tổn thất không cần thiết trong việc cạnh tranh bạn tình. Đồng thời, giao phối đồng giới ở con cái cũng giúp con cái thoát khỏi những kiềm chế và cưỡng ép về mặt tình dục và thứ bậc xã hội. Theo Prum, chính sự cưỡng ép và áp lực đã làm nảy sinh xu hướng đồng tính ở các con cái, khi chúng hình thành quan hệ gắn kết chống lại những con đực dùng vũ lực để cưỡng ép giao phối và cùng nhau chăm sóc con non [13].
Nhưng nếu sự phát sinh và duy trì của xu hướng tính dục đồng giới không phải chỉ để đáp ứng mục đích sinh sản thì sao? Giả như nó tồn tại vì là một phương tiện khác hữu ích cho sinh tồn?
Chúng ta có thể có câu trả lời, khi nhìn vào tập tính tình dục kỳ lạ của loài tinh tinh lùn bonobo. Những họ hàng linh trưởng gần của con người này dùng tình dục (gồm cả tình dục đồng giới) để trao đổi thức ăn và cải thiện quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng [14]. Nói cách khác, tình dục đồng giới đối với chúng lại là chất xúc tác tạo nên những gắn kết xã hội.
Điều tương tự có thể cũng xảy ra với loài người, biết rằng tính xã hội từ lâu đã trở thành một đặc trưng của loài chúng ta. Chẳng hạn hình thức cam kết tình dục đồng giới nam trước đây ở xã hội Hy Lạp cổ đại, nơi những người thầy giỏi chỉ đồng ý dạy bảo học trò khi phụ huynh cho phép con của mình sống riêng với thầy tại vùng hoang vắng trong một thời gian dài [15].

Pages: 1 2 3 4

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Up ↑

%d bloggers like this: