Tại sao nên OT, và tại sao không nên OT?

Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi vì những công việc không tên giữ chân bạn lại tại công ty sau khung giờ làm việc quy định chưa? Hay có bao giờ bạn cảm thấy dường như bản thân bị cuốn vào việc cố gắng tìm ra và xử lý vấn đề trong công việc đang bị tồn đọng, và lúc nhìn lên đồng hồ thì đã …

ồ trễ như thế rồi sao?

Nếu bạn đã từng gặp phải một trong hai trường hợp trên, hoặc thậm chí cả hai; Có lẽ bài viết này sẽ giúp bạn định hướng rõ hơn về quyết định của bản thân trong việc: chọn OT, hay không OT.

Đầu tiên, có lẽ mình sẽ phải ép bạn trả lời một câu hỏi nhỏ như thế này, rằng lý do mà bạn từng dùng để chọn công việc bạn đang làm, là do đâu mà ra? Nếu bạn chỉ vì kỳ vọng gia đình, trào lưu xã hội, hoặc đơn giản là chọn đại để có cái kiếm ra tiền để sống qua ngày, thì bạn nên dừng đọc tại đây.

Còn nếu như bạn từng chọn công việc đó vì bạn cảm thấy như thể nếu như bạn chọn một công việc khác, bạn sẽ thức dậy mỗi ngày với cảm giác như chết đi sống lại, như thể ai đó chứ không phải bản thân mình đang giành lấy quyền điều khiển cuộc sống của chính mình, và họ dùng hết sức bình sinh để bóp nghẹt nó – thì bạn đang chọn đúng chủ đề để đọc rồi đấy!

Xin chào những con người đang sống như chưa từng được sống, và làm việc như thể đó là hơi thở giữ lấy sinh mạng mong manh của chúng ta. Mình cực kỳ tự hào về những gì bạn đã trải qua để có được ngày hôm nay.

Vậy nếu đã coi công việc là hơi thở, liệu, chúng ta có nên ngừng thở vào đúng sáu giờ chiều mỗi ngày?

Đó thật sự là một câu hỏi khó đúng không?

Có những ngày bạn đang đầy ắp ý tưởng để giải quyết công việc, cùng với một chút “máu chó” hiếu chiến, thế là một ngày bỗng chốc trôi qua thật nhanh; và khi bạn nhìn lại đồng hồ thì đã quá giờ về mà công ty quy định từ lâu. Vậy lúc này, câu hỏi đặt ra là, chúng ta có nên đề xuất để được trả tiền cho những ngày năng suất như vậy không?

Bản thân mình nghĩ là có. Bởi vì rõ ràng, chúng ta đã chịu khó tiết kiệm khoảng thời gian quý báu mà đáng lẽ sẽ dùng để dành cho gia đình ta, bạn bè ta, người yêu ta để dốc lòng cống hiến cho công việc.

Và chỉ riêng việc đó thôi, đã đủ để được những người “chiếu trên” đền đáp xứng đáng.

Vậy nếu bạn đã đề xuất rồi, nhưng “chiếu trên” vẫn không đáp trả, hay thậm chí cho rằng, đó là trách nhiệm của bạn và bạn không có quyền hạn để đòi hỏi những gì xứng đáng?

Thế thì rời đi thôi bạn ạ.

Thật sự nên rời đi, ở đâu cũng vậy. Chúng ta được trả tiền để có trách nhiệm với công việc, ở trong một mức độ vừa phải đã được quy định giữa đôi bên. Và khi bản thân chúng ta bỏ ra nhiều công sức hơn những gì được nhận mà lại không được đền đáp, thì ta cũng nên tử tế mà rời đi. Bởi lẽ những người không biết trân trọng công sức của ta, thì không đáng để chúng ta phải tự đày ải bản thân và ở lại.

Ngoài kia không thiếu “chiếu trên” biết trọng nhân tài. Bản thân chúng ta không túng thiếu đến nỗi phải đi làm những việc không tên, không công và không được ghi nhận. Họ không tử tế, ta rời đi. Họ không trọng dụng, họ mất mát.

Thế còn những ngày bạn đầy ắp mệt nhoài, cả buổi chiều làm việc nhưng chỉ mong được nghe đồng hồ điểm cái boong – sáu giờ – cặp sách khăn gói phóng về nhà ngay – nhưng công việc lại đang dang dở làm mãi chẳng xong, và đầu óc của bạn cũng đang ngổn ngang những suy nghĩ về những thứ đấy mãi chẳng dứt ra được? Liệu bạn sẽ thật sự hài lòng khi đang trong lúc hỗn mang đó, lại đi tắt hết mọi thứ và xách mông đi về cái một?

Bản thân mình nghĩ, với những kẻ bị mắc OCD nhẹ (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) như mình, mình sẽ dễ dàng cảm thấy không ổn khi cứ khơi khơi như thế mà bỏ dở mọi thứ đang làm giữa chừng.

Đó là mình của trước đây.

Bây giờ, khi học được cách cân bằng hơn về cuộc sống riêng và công việc, mình đã quyết định bỏ dở dù trong đầu mình đang sắp tìm ra được cách giải quyết nốt mọi việc rồi.

Bởi vì đơn giản, chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi.

Một chiếc máy không thể nào hoạt động liên tục từ ngày này sang ngày nọ, tháng này sang tháng nọ, năm này sang năm nọ mà không cần sự bảo trì định kỳ cả.

Con người chúng ta cũng vậy.

Nếu không học được cách nghỉ ngơi đúng lúc trong công việc, chúng ta sẽ vì thế mà tự làm bản thân “tắt nguồn”.

Tuy nhiên, lựa chọn là nằm ở bạn. Bởi vì nói đúng ra thì, khi bạn chọn bỏ dở; bạn sẽ được nghỉ ngơi thoải mái đó, nhưng liệu ngày mai bạn có tiếp tục được những gì bạn đang suy nghĩ dang dở hôm qua, hay là xây lại mọi quy trình và bắt đầu lại từ đầu, và lại làm bản thân bị tiêu tốn thêm một đoạn thời gian khác?!

Còn khi bạn chọn tiếp tục, dù có bị bào sức (trường hợp này mình ví dụ là vẫn được tính OT đàng hoàng nhé), thì những gì bạn đạt được khi chọn tiếp tục ở lại làm, có phải là một món hời lớn cho chính bạn về mặt kiến thức hay không?

Khi bạn ngồi lại giải quyết cho xong vấn đề mà bạn đang mắc phải, chính bạn đã chọn làm một việc phải nói là, vô cùng can đảm, và mang tính trách nhiệm cực kỳ cao (cũng đúng thôi, công việc bạn thích, hơi thở của bạn mà, nhỉ?), và đồng thời là đang làm cho thỏa sức đam mê, và tăng thêm kiến thức cho chính bản thân, những khía cạnh này, tiền đâu có mua được đâu đúng không?

OT – bản thân nó là một vấn đề không hề nhạy cảm, nhưng chính cách xử sự và phản ứng của con người xung quanh nó, đã biến nó thành một vấn đề nhạy cảm và khiến mọi người khiếp sợ khi phải nhắc đến nó.

Theo mình, miễn là bạn cảm thấy những gì bạn bỏ ra là quá nhiều so với yêu cầu/quy định chung, thì bản thân bạn phải đứng lên để giành về sự đền đáp xứng đáng.

Bởi vì không ai cho không biếu không nhau cái gì.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Up ↑

%d bloggers like this: